Triển khai thực hiện hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Sáng 23/4/2021, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC & CNCH cho đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, Công an các đơn vị, địa phương, lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học PCCC. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Công tác PCCC & CNCH những năm qua luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm chỉ đạo và có vai trò quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố và đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho công tác PCCC & CNCH. Do đó, các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về PCCC & CNCH cần được điều chỉnh, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình thực tế. Việc rà soát, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC & CNCH là rất cần thiết.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Nhận thấy những điểm còn bất cập tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy cần phải được điều chỉnh, bổ sung và thay thế, Bộ Công an đã chủ động, tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã kịp thời tháo gỡ được những bất cập, khó khăn, vướng mắc thời gian qua trong quá trình thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP gồm 09 chương và 54 điều với 09 phụ lục kèm theo, quy định về hoạt động PCCC; tổ chức lực lượng, phương tiện PCCC; kinh doanh dịch vụ PCCC; kinh phí bảo đảm cho hoạt động PCCC; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động PCCC… Bên cạnh đó, để quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP góp phần hoàn thiện về pháp luật đối với PCCC & CNCH, năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành 10 Thông tư về công tác PCCC & CNCH.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh nội dung 03 chuyên đề được quán triệt tới các đại biểu; đồng thời đề nghị, Công an các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác PCCC & CNCH.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Công an các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, huy động các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an phường, Công an xã kết hợp với ngành Điện lực, các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố đi từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng nơi để kiểm tra, chỉ ra cho từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là những hộ gia đình kết hợp nơi ở và sản xuất, kinh doanh thấy rõ những tồn tại về PCCC để yêu cầu khắc phục… Công an các địa phương chủ động tổ chức ký kết các kế hoạch phối hợp liên vùng, liên tuyến để huy động chi viện, hỗ trợ lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH khi xảy ra các sự cố cháy, nổ quy mô lớn …

Các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH truyền đạt 03 chuyên đề tại Hội nghị.

Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cần tập trung xây dựng, hoàn thiện, thống nhất phương án tác chiến, phổ biến, quán triệt và đưa vào chương trình huấn luyện thường xuyên của lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH cũng như các lực lượng liên quan về các phương án ứng phó khi xảy ra 05 tình huống cháy khó gồm cháy trên sông, biển; cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy hóa chất; cháy xăng dầu; cháy rừng. Chú trọng, quan tâm xây dựng phong trào Toàn dân PCCC ngay từ cơ sở nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *